Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Tầm mức quan trọng: về việc đưa võ thuật-võ đạo vào học đường

Tầm mức quan trọng: về việc đưa võ thuật-võ đạo vào học đường

Trong thực tại, chúng ta đều biết rõ rằng: chính trường học là nơi đào tạo những nguồn  tài nguyên và chính các kỳ thi cử mới có trách nhiệm phân loại các nguồn tài nguyên này để cung ứng cho xã hội.

Không ai có thể phủ nhận tầm mức quan trọng của học đường trong nhiệm vụ đào tạo nhân lực tương lai cho đất nước. Vì vậy nếu võ học được đưa vào chương trình giáo dục như một môn giáo dục thể chất bắt buộc và có tầm quan trọng như các môn học khác, thì học đường không chỉ là nơi đào tạo trí năng, mà còn là nơi các thế hệ tương lai rèn luyện cả về thân lẫn tâm cùng với mục đích phát huy tinh thần thượng võ, đồng thời tạo điều kiện các nguồn tài nguyên đất nước có dịp trau dồi tâm thân để xây dựng quốc gia hùng mạnh. Nhờ vậy nhân lực của đất nước  sẽ có nhiều khả năng tự phòng, tự quản và tự bảo vệ trước mọi biến cố. Sẽ có đức tự tin hơn, và có nhiều khả năng võ bị cao hơn khi thi hành nghĩa vụ quân sự.

Việc đưa võ thuật, võ đạo vào trường học được coi như là một vẫn đề mới lạ đối với học đường.

Sự cảm nhận tiên khởi này chính là do thói quen và thành kiến lâu đời của chúng ta : văn – võ phải biệt lập, và được coi như thuộc hai nghành sinh họat khác nhau.

Ví dụ như thời Nguyễn, những khoa thi “võ tiến sĩ” không có điều kiện ràng buộc nào cho các thí sinh  có biết chữ hay không! Cũng như các khoa thi tam trường (thi Hương, thi Hội, thi Đình) đều không có điều kiện ràng buộc cho các thí sinh có biết võ hay không. Ngoại trừ thời Trần và thời Lê: Thời Trần sự cưỡng bách học võ được áp dụng cho cả công chúa, phi tần và cả quan văn. Thời Lê được áp dụng chung cho tất cả các chức quan cai trị cả văn lẫn võ từ tứ phẩm trở xuống phải học thi “Minh Minh khoa” gồm cả kinh sử và võ thuật..

Như vậy vẫn đề đưa võ thuật vào học đường nếu có mới lạ, chỉ là do thói quen và thành kiến từ thời hậu Nguyễn đến nay chứ không phải thói quen lâu đời xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.

Tiềm năng của võ học được khai dụng rất nhiều vào thời Trần Hưng Đạo, võ đạo được điều dụng trong mọi ngành sinh hoạt xã hội, từ người có chức vụ nhỏ nhất kể cả phi  tần, cung nữ cho đến các quan văn võ đều phải học để gìn giữ lãnh thổ đất nước đến khẩn hoang mở rộng bờ cõi.

Trường hợp Nhật Bản là một ví dụ điển hình: Nhật Bản đã đưa võ học vào chương trình giáo dục và quân đội rất sớm, do đó đã tạo cho dân tộc họ một nếp sống đặc biệt điển hình mà chúng ta thường gọi là “tinh thần Nhật võ đạo” hay “tinh thần võ sĩ đạo”. Trong mọi môn sinh hoạt, người Nhật đã vận dụng tinh thần  võ đạo của họ, nhất là trong lĩnh vực chiến tranh, thể dục thể thao, giáo dục đến phục hồi uy thế quốc gia sau khi thất trận để trở thành một siêu cường về kinh tế như ngày nay.

Hàn quốc đã hội nhập chương trình huấn luyện Taekwondo của họ vào học đường từ sau chiến tranh Nam Bắc 1950-1953. Việt nam chúng ta có trễ hơn.

Năm 1966, Vovinam- Việt Võ Đạo được đưa vào giảng dạy tại các trường trung học phía Nam. Hệ thống lý thuyết võ đạo được giảng dạy kèm theo chương trình huấn luyện ở các cấp đai. Ông Trần Ngọc Ninh – Tổng trưởng giáo dục của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ – đã xen xét và quyết định bỏ môn học « Công dân » trong chương trình trung học mà thay bằng bài giảng của «Việt Võ Đạo» vì cho rằng tinh thần Việt Võ Đạo cao hơn, nhất là điểm kêu gọi dấn thân và hy sinh, trong khi môn công dân chỉ chú trọng đến mặt hạnh kiểm.

Tuy nhiên võ thuật học đường nói chung và môn Vovinam- Việt Võ Đạo trong trường học nói riêng đã phải gián đoạn một thời gian khá dài, để hôm nay bắt đầu trở lại vạch xuất phát!

Nhưng thà muộn còn hơn không. Chúng ta sẽ làm lại tất cả để phục hưng tinh thần dân tộc. Cũng như nước Nhật đã làm lại tất cả, tuy nền võ học của họ phát triển sau Trung Quốc, nền kinh tế phát triển sau Châu Âu và Mỹ.

Cũng với niềm tin và nghị lực như vậy, chúng ta sẽ phát triển chương trình đưa võ đạo vào học đường trước mọi thử thách khó khăn. Bởi vì thử thách và khó khăn nào cũng có thể vượt qua, nếu chúng ta quyết tâm và nhất trí trước nghĩa vụ với tiền đồ dân tộc và các thế hệ mai sau.
Hơn nữa, như chúng ta đều biết, hiện nay xu hướng bạo lực học đường đang gia tăng gây ra những bi kịch đau lòng. Việc giáo dục đạo đức tư cách cho học sinh trong các nhà trường đang là một vấn đề lớn được đặt ra cho toàn xã hội! Nhằm góp phần giảm thiểu vấn nạn này thì  võ thuật là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất. Đồng thời tập võ là một trong những cách rèn luyện kỹ năng sống tốt cho học sinh. Góp phần đáng kể trong việc giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, đặc biệt là tầng lớp học sinh trong các nhà trường phổ thông.

Vì sao cần đưa võ thuật vào trường học?

Võ  thuật, cách nhìn trước hết thì đó cũng là một môn thể thao, nhưng là môn thể thao truyền thống. Nói võ cũng là môn thể thao, bởi vì cũng như các môn thể thao khác, toàn bộ kỹ thuật và quyền pháp của võ đều xây dựng trên nền tảng các nguyên lý về tâm sinh lý và vật lý; nó giúp phát triển toàn diện con người, giúp con người có được “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.

Là môn thể thao, nhưng võ khác với các môn thể thao đang tập luyện tại trường. Các môn thể thao trong chương trình giáo dục thể chất hiện nay  như chạy, nhảy, ném tạ, nhảy cao, nhảy xa… được lặp đi lặp lại hết cấp học nọ đến cấp học kia, lại không được tạo điều kiện và trang bị kỹ thuật để nâng cao. Kết quả là, người học nhàm chán, lại không có tác dụng rèn luyện tích cực!
Một sự khác biệt nữa giữa võ và thể thao là : võ là một môn thể thao đa dạng, đa năng, phong phú, và đáp ứng nhu cầu phát triển lành mạnh của tuổi trẻ.

Ta nhìn từ thực tế, ngoại trừ các VĐV chuyên nghiệp, thì ít ai chịu bỏ tiền đăng ký học môn chạy cự ly ngắn, cự ly dài, nhảy cao, nhảy xa…. Trong lúc tuổi trẻ ghi tên theo tập các lớp võ ngày càng nhiều.

Vì vậy nếu đối tượng của giáo dục là học sinh thì việc tạo điều kiện để cho các em đến với môn thể thao mà mình ưa thích là điều hoàn toàn hợp lý.

Võ là môn thể thao mà nơi luyện tập không chỉ là một võ đường mà còn là một đạo đường. Luyện tập võ thuật còn là việc duy trì  truyền thống tôn sư trọng đạo, lễ nghi, nề nếp, kỷ cương… là điều ở các sân tập thể thao, hay ngay cả các trường học hiện nay hầu như vắng bóng! Sau cùng, võ không dừng lại ở chức năng rèn luyện sức khoẻ mà luôn vươn tới mục đích cao hơn là “võ đạo” – giúp người tập hoàn thiện phẩm chất, đạo đức, phong cách sống.

Vì sao võ thuật chưa được phát triển mạnh trong nhà trường

Một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản từ lâu đã đưa võ thuật vào trường học và thực tế chứng minh là họ rất có lý. Ở ta vấn đề này còn hết sức mới mẻ và thực ra chưa hoàn toàn được xã hội đồng tình. Một trong những nguyên do là vẫn còn tồn tại những định kiến vô lối về võ thuật.

Theo quan niệm của một số người, “Võ là đánh nhau. Học võ chỉ để gây rối, đánh nhau”. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Chính những người không biết võ, không có sức mạnh, không có niềm tin về mình, yếu đuối, sợ sệt, tự ti mặc cảm… mới thích gây hấn, đánh nhau, như là bản năng sinh tồn để chứng tỏ sự mạnh mẽ của mình. Trong lúc, với những người thường xuyên luyện võ, có sức mạnh, tự tin, tự tại, thì họ sẽ chẳng cần dùng đến bạo lực. Một bằng chứng dễ thấy là trong các vụ việc gây gỗ đánh nhau, các vụ bạo lực học đường rất hiếm khi phát hiện có võ sinh nào tham gia.
Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang là vấn đề rất được quan tâm. Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhiều đoạn video clip học sinh hành xử với nhau theo kiểu xã hội đen! Hơn bao giờ hết, tình trạng bạo lực học đường đã lên đến mức đỉnh điểm, nếu xã hội không gióng lên hổi chuông cảnh tỉnh thì hậu quả sẽ tàn phá đi cả một thế hệ là tương lai của xã hội.

Nói đến việc đào tạo học sinh từ nhân cách đến chuyên môn, vai trò của nhà trường là rất lớn, việc định hình nhân cách sống cho các em vốn ít được chú tâm. Nhà trường cũng như các bậc phụ huynh chỉ lo đào tạo các em về mặt chuyên môn mà bỏ quên một nửa quan trọng có tính chất quyết định: đó là đạo đức. Chúng ta hãy tự hình dung một chương trình học tập của học sinh có bao nhiêu tiết học về đạo đức? Bao nhiêu tiết học về giáo dục thể chất? Bao nhiêu tiết học về kỹ năng sống?… Con số đó chỉ bằng 1/10 so với các tiết học chuyên môn, chiếc cặp xách trên lưng của con em chúng ta đang ngày càng bị đè nặng.

Võ thuật sẽ giúp nhà trường rèn luyện đạo đức và thể chất cho học sinh.

Bởi vậy, việc cần làm ngay là phải chấn chỉnh lại cơ cấu tiết học. Trong đó, có một hướng đi mới và rất hiệu quả là đưa võ thuật mà cụ thể là Vovinam- Việt Võ Đạo  vào trường học dưới hình thức là một môn thể dục vì lợi ích mà môn võ thuật đưa lại thì rất nhiều.

Thứ nhất, mang võ thuật vào trường học là một cách tự quảng bá võ thuật nước nhà tới lớp lớp người dân Việt Nam, để võ thuật Việt Nam thực sự trở thành quốc võ của dân tộc. Bởi, dù võ thuật  Việt Nam được quảng bá rộng rãi trên thế giới mà chính người dân Việt Nam không am hiểu võ thuật nước nhà thì chưa thể gọi là  giữ gìn và quảng bá bản sắc của dân tộc được! Đồng thời, qua chương trình võ thuật trong nhà trường, chúng ta có thể phát hiện và bồi dưỡng được rất nhiều những nhân tài võ thuật để cống hiến cho thể thao nước nhà khi mà võ thuật Việt Nam đã có Liên đoàn cấp thế giới, cấp châu lục.

Giảng dạy võ thuật trong nhà trường là phương pháp “nhân đôi” vừa rèn luyện sức khỏe và rèn luyện đạo đức cho học sinh, hâm nóng tinh thần yêu nước thương nòi của con em Việt Nam. Có thể khẳng định, dạy võ thuật bằng dạy hai môn đạo đức và thể dục trong nhà trường. Bởi những người học võ sẽ hiểu được rằng võ là võ đạo, mới tới võ thuật. Nghĩa là dạy cho võ sinh cách làm người sống biết yêu nước thương nòi, sống có ý chí và có nghị lực…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *